Thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một thông điệp về đoàn kết, yêu nước, tranh đấu cho tự do, độc lập

08:57 PM 01/12/2020 |   Lượt xem: 4760 |   In bài viết | 

Hình tượng Bác Hồ trong tác phẩm hội họa “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình

Đại hội các DTTS miền Nam họp ở Pleiku trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Nước Cộng hòa non trẻ chỉ vừa mới ra đời, bao nhiêu khó khăn chồng chất: 2 triệu người chết đói, ngân khố quốc gia trống rỗng, 95% dân số nước ta còn mù chữ, thù trong giặc ngoài câu kết với nhau hòng lật đổ chính quyền cách mạng. Thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Ngày 23/9/1945, Nam Bộ bắt đầu cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp và các thế lực phản động khác. Vừa kháng chiến vừa kiến quốc trở thành một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, là phương châm hành động của Chính phủ, của toàn dân ta.

Khi gửi thư cho Đại hội các DTTS miền Nam, Hồ Chí Minh đã chính thức là nguyên thủ quốc gia, là lãnh tụ tối cao của toàn dân và linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, những lời của Người trong bức thư này không chỉ thể hiện tấm lòng, tình cảm của người đứng đầu Chính phủ và Nhà nước nói với đồng bào, mà còn mang ý nghĩa của một thông điệp lịch sử - thông điệp Đoàn kết - Yêu nước, là lời kêu gọi thiêng liêng gửi tới các đại biểu dự Đại hội, quyết tâm phấn đấu hy sinh để giữ vững nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Mở đầu bức thư, Người nói rõ vì hoàn cảnh đường sá xa xôi nên Người rất tiếc không đến dự Đại hội được.

Tình cảm và tấm lòng của Người có sức động viên, cổ vũ to lớn đối với đồng bào. “Tôi tuy xa nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”(1). Đây là lời nói xuất phát từ trái tim nặng lòng yêu nước thương dân, là sự biểu thị tính Nhân dân, tinh thần dân chủ của một Chính phủ vì dân nên giữa Chính phủ, lãnh tụ với Nhân dân không hề có một khoảng cách nào. Thân thiết, gần gũi với dân và một lòng tin yêu Nhân dân là nét đặc trưng nổi bật, nhất quán của phong cách Hồ Chí Minh. Sự cảm động này, nguồn sức mạnh nhân nghĩa này, chính người dân đã nhận biết rõ nhất. Thực tế lịch sử của công cuộc kháng chiến kiến quốc ở nước ta đã cho thấy lòng Già Hồ luôn hướng tới dân, luôn nghĩ về dân nên dân cũng một lòng thương mến Già Hồ và hết lòng tin tưởng ủng hộ Chính phủ do Người đứng đầu.

Câu mở đầu trong bức thư ấy đủ sức truyền cảm và chứng thực cho những điều Người nói là sự thật, là chân lý, là đạo đức thấm sâu vào đường lối chính trị của Người. Trong thư, Người đưa ra một khẳng định, một lời cam kết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(2). Đây là tư tưởng đoàn kết và thống nhất dân tộc trong một nước đa dân tộc. Đây là đạo lý, tình nghĩa dân tộc, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, thủy chung son sắt, tạo nên sức mạnh chống lại mọi âm mưu chia rẽ dân tộc, kích động tâm lý hẹp hòi, nghi kỵ, thành kiến dân tộc mà kẻ thù ra sức xuyên tạc hòng làm suy yếu sức cố kết của đồng bào ta.

Người nói rõ trong thư, “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xấu xúi giục để chia rẽ chúng ta”(3). Nêu lên những nguyên nhân ấy để thức tỉnh, giác ngộ đồng bào, Người cũng gián tiếp nhắn nhủ đồng bào các DTTS một chân lý vĩnh hằng “Đoàn kết thì mạnh và sống”, “chia rẽ thì yếu và chết”.

Từ đó, Người nêu cao một sự thật, một chân lý “Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả đồng bào”(4).

Một trong những luận đề tư tưởng quan trọng, nổi bật, cốt yếu về thống nhất dân tộc được Người nhấn mạnh trong thư là:

“Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”(5).

Tính chất và ý nghĩa chủ đạo của Thông điệp trong bức thư chính là ở luận đề tư tưởng này. Người không chỉ nhấn mạnh “đoàn kết chặt chẽ, giữ gìn non nước ta” mà còn xác định trách nhiệm, hành động “ủng hộ Chính phủ ta” bởi Chính phủ là Chính phủ Nhân dân, Chính phủ của dân, do dân bầu ra vì mục đích phục vụ Nhân dân để Nhân dân là chủ và làm chủ.

Từ thông điệp đoàn kết, yêu nước, tranh đấu cho nền độc lập của Tổ quốc, bức thư của Người kết thúc bằng một lời kêu gọi cũng đồng thời là thực hiện nhiệm vụ “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”(6).

Điều đòi hỏi và mong muốn đó của Người chính là thực hiện đường lối, quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, còn mãi tính thời sự. Đoàn kết và bình đẳng, thương yêu và kính trọng, giúp đỡ lẫn nhau với tất cả sự chân thành, tin cậy, cùng nhau phấn đấu cho hạnh phúc chung của dân tộc, của muôn đời con cháu - Đó là sự chung đúc cả chân lý lẫn đạo lý, đạo nghĩa của dân tộc Việt Nam mà người biểu đạt sâu sắc, tinh tế nhất là Hồ Chí Minh.

Nói rõ giá trị bền vững và thiêng liêng đó, trong lời kết của bức thư, Người nêu lên niềm tin mãnh liệt “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”(7). Cách biểu đạt tư tưởng và tình cảm, ý chí và hành động theo hình thức so sánh, trực cảm mà Người sử dụng rất phù hợp với tâm lý, tình cảm của đồng bào các DTTS.

Người tỏ rõ sự thấu hiểu lòng dân, sự thấu cảm cuộc sống của dân, thấm thía tình nghĩa đồng bào, nên những lời nói từ gan ruột, tự đáy lòng của Người hòa vào ý nghĩ, tình cảm, ước nguyện của mỗi người dân, của toàn dân tộc, nhanh chóng lan tỏa một hiệu ứng sâu xa mang ý nghĩa thức tỉnh, giáo dục, mang sức mạnh tập hợp lực lượng để thực hành Đoàn kết - Yêu nước - vì Độc lập - Tự do.

Dù đã 74 năm kể từ ngày Người viết thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam, những chỉ dẫn ân cần, sâu sắc của Người về Đoàn kết - Yêu nước, về Độc lập - Tự do vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, mới mẻ đến tận hôm nay và mai sau.

-----------

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7): Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 4, tr.249 - 250.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia Cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (baodantoc.vn)

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập hiện tại: 1253

Tổng số truy cập: 4809700