Các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đoàn kết phát huy nội lực, hội nhập và phát triển

10:38 AM 23/08/2019 |   Lượt xem: 191 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Tuyên Quang

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, diện tích tự nhiên hơn 5,8 nghìn km2. Tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 huyện nghèo (huyện Na Hang và huyện Lâm Bình). Dân số toàn tỉnh là hơn 780 nghìn người với 22 dân tộc cùng sinh sống. Toàn tỉnh hiện còn 54/141 xã thuộc khu vực II (chiếm 38,2%); 61 xã thuộc khu vực III (chiếm 43,2%).

Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh nói chung và vùng DTTS nói riêng tiếp tục có bước phát triển khá. Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 - 5 %/ năm. Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm hàng năm đạt từ 7 - 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 36,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đến năm 2018, cơ cấu nông lâm nghiệp và thủy sản là 25,12%, công nghiệp - xây dựng là 31,36% và dịch vụ là 43,52%.

Chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi được nâng lên; quy mô trường, lớp các bậc học ở vùng đồng bào DTTS ngày càng mở rộng. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện đầu tư xây dựng 100 phòng học bậc mầm non, 101 phòng cho các lớp tiểu học, tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, không để tình trạng bệnh dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đánh giá cao các kết quả mà Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đạt được trong suốt những năm vừa qua. Đồng thời cho biết, sau nhiều nỗ lực, ngày 13/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 59/NQ-CP thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký tờ trình với Quốc hội phê duyệt Đề án, theo đó xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, thực hiện từ năm 2021. Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm bày tỏ mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trực tiếp là Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tại kỳ họp thứ 8 tháng 10/2019 tới đây sẽ ủng hộ để Quốc hội phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu Quốc gia trên.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng nhấn mạnh, định hướng chính sách trong giai đoạn tới là “giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện. Do đó, các chính sách sẽ khuyến khích cơ chế cho vay theo dự án vừa và nhỏ, tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó của đồng bào DTTS, nỗ lực cùng với Nhà nước và xã hội thì công cuộc giảm nghèo bền vững mới thành công.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, Đại hội Đại biểu DTTS toàn quốc lần thứ II sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào năm 2020. Đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, là niềm tin của gần 14 triệu đồng bào DTTS cả nước hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh chọn cử đoàn đại biểu theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, tham dự hiệu quả các hoạt động, góp phần vào sự thành công của Đại hội toàn quốc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen cho các tập thể xuất sắc

Cũng tại Đại hội, các đại biểu thống nhất phấn đấu đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh giảm từ 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào các DTTS giảm 5%/năm. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 72%, trong đó qua đào tạo nghề trên 52%; phấn đấu 100% các xã có đường đến trung tâm được nhựa hóa… Đến năm 2020, có trên 30% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới; thành phố Tuyên Quang đạt chuẩn Nông thôn mới cấp huyện. Các đại biểu cũng thống nhất thông qua quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu DTTS lần thứ III tỉnh Tuyên Quang.

Nhân Đại hội này, nhiều tập thế, cá nhân của tỉnh Tuyên Quang vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vì đã có những đóng tích cực cho công tác dân tộc.

(Hiếu Anh (Báo DT&PT))

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập hiện tại: 1253

Tổng số truy cập: 4809700